CEO TOPICA: Việt Nam đang đi đầu về giáo dục trực tuyến

TS Phạm Minh Tuấn, CEO Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA nhận định E-learning đang bùng nổ và sẽ là phương thức đào tạo phổ biến tại Việt Nam.

– Mô hình giáo dục trực tuyến đang được đề cập nhiều tại Việt Nam gần đây, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, quy mô của lĩnh vực này? 

– Khoảng 2 năm gần đây, các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, MIT đồng loạt triển khai đào tạo trực tuyến. Nhiều trường lớn khác như Berkeley, Maryland, Georgetown, Georgia Tech, UNC, USC… đã có các chương trình đào tạo trực tuyến cấp bằng. Theo nghiên cứu của tổ chức Sloan Consortium năm 2012, 77% lãnh đạo các trường đại học ở Mỹ cho rằng học trực tuyến “ngang bằng hoặc tốt hơn” học truyền thống.

Tại Việt Nam, lĩnh vực này cũng đang bùng nổ. Hiện nay, ước tính có khoảng 3-5 triệu người từng theo học các khoá tiếng Anh, luyện thi, học kỹ năng trực tuyến… và lượng người học cũng như số khoá họ theo học cũng tăng nhanh

Tôi tin 10 năm tới đa số việc dạy và học ở Việt Nam sẽ diễn ra qua E-learning, từ kiến thức đại học, phổ thông cho đến kỹ năng, ngoại ngữ… Cũng giống như cách đây một thập kỷ, chúng ta chỉ đọc báo giấy, gọi điện thoại bàn, nghe nhạc trên đĩa CD và không nghĩ có ngày đa số sẽ đọc báo mạng, dùng điện thoại di động, nghe nhạc trực tuyến và chụp ảnh trên smartphone rồi đưa ngay lên mạng xã hội.

– E-learning có ưu điểm gì mà ông tin sẽ bùng nổ tại Việt Nam?

– Về ưu điểm, giáo dục trực tuyến kết nối được người học với các giảng viên giỏi, dù họ ở xa hay giờ giấc không trùng nhau. Việc này tiết kiệm thời gian cho giảng viên, cho phép họ tập trung vào chuyên môn chính là giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tạo động lực và khuyến khích sáng tạo. Những thứ khác như bài giảng, chấm bài, theo dõi chuyên cần… đều được ghi lại và trợ giúp bằng phần mềm.

Thêm vào đó, người học được học cách phù hợp nhất với mình: qua video có thể xem lại nếu cần, thầy không phải giảng lại. Việc tiếp thu kiến thức qua nhiều công cụ khác như học liệu minh hoạ, sách, các ứng dụng trên điện thoại di động… giúp họ tranh thủ và chủ động được thời gian.

Công nghệ và phần mềm hiện đại có thể hiểu rõ từng học viên, biết điểm mạnh-yếu, lỗ hổng kiến thức, thời gian học tập trung, dễ hiểu bài qua hình minh hoạ hay qua video bài giảng…. Và dựa trên thống kê của hàng triệu học viên khác, phần mềm sẽ đưa ra phương pháp, lộ trình học phù hợp nhất với từng người. Một lợi thế khác là phần mềm có thể theo bạn suốt 17 năm đi học, còn ở trường thì giáo viên giỏi cũng chỉ dạy bạn theo từng học kỳ, sau đó sẽ thay người khác.

Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng có thể dạy E-learning. Ví dụ một số ngành nghề cần thao tác nhiều như cơ khí, mộc, y… và các chương trình đào tạo nghiên cứu chuyên sâu. Tôi tin rằng các công nghệ tương lai sẽ khắc phục dần một số nhược điểm trên.

DSC-4069-JPG.jpg
Bài viết liên quan